Thời gian qua, thị trường xuất bản sách Việt Nam, nhất là khâu truyện tiểu thuyết, phiêu lưu, khám phá… rộ lên rất nhiều, nhưng nhìn chung hình thức vẫn nhàm chán, chỉ chữ in và chữ in, chẳng có gì khác lạ. Bỗng dưng nhớ lại mươi mười lăm năm về trước, chúng tôi bỗng thấy thiếu một cái gì đó… vì ngày xưa sách truyện thường hay có hình minh họa trong đó rất dễ coi và dễ hình tượng câu chuyện mình đang xem hơn. Ngày nay người ta quên đi điều ấy mất rồi. Thế rồi vô tình hôm nay mở một số sách truyện của Pháp của Mỹ, tôi nhận thấy hàng trăm năm nay họ vẫn giữ kiểu sách có kèm theo hình minh họa thật là hay, chỉ là hình đen trắng thôi, nhưng rất sinh động và gắn bó với từng trang sách, nên người đọc cảm thấy gần gũi và cuốn hút hơn. Thế thì tại sao Việt Nam ta không dám làm như thế nhỉ? Sợ tốn tiền chăng? hay là ngại không có người vẽ?
Tôi thấy hình như cả hai lý do trên đều đúng. Sách truyện hiện nay hầu hết do tư nhân liên kết xuất bản, việc tính toán lời lỗ là chuyện đương nhiên phải có, nhưng thấy cái lợi trước mắt mà không thấy cái lợi về sau. Nếu sách truyện chúng ta có thêm phần minh họa chắc chắn sẽ bắt mắt hơn, hấp dẫn người đọc hơn, điều đó sẽ dẫn đến sách ta sẽ bán chạy hơn, đâu có lỗ lã gì đâu mà sao không dám làm nhỉ?
Thế thì hỡi các nhà đầu tư xuất bản sách, sao không ai tiếp tục làm theo kiểu này đi nhỉ? Có thể tốn thêm chừng một đôi triệu cho họa sĩ để minh họa truyện, cứ khoảng từ 20 trang/1 hình có phải hay hơn không? Chúng tôi sẵn sàng thực hiện điều ấy để cuốn sách của chúng ta sẽ sinh động hơn chứ không phải nhàm chán từng khuôn chữ in một, chắc chắn sẽ được người xem đón nhận hơn là những trang sách khô khan như hiện nay.
Nếu có ai quan tâm, hãy liên hệ với chúng tôi nhé! Chúng tôi sẵn sàng minh họa tranh trong sách truyện vẽ bằng bút sắt đen trắng với một giá cả hợp lý và với một niềm đam mê lớn lao, dù cho công việc bây giờ khá là bận rộn nhưng nếu cần, chúng tôi vẫn có thể thực hiện được. Có vậy thì những cuốn sách truyện của chúng ta sẽ phong phú hơn lên nhiều, phải không các bạn?
Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2008
Tranh minh họa cho sách
Thứ Hai, 22 tháng 12, 2008
Truyện tranh cho Bé
Kính thưa quý vị và các bạn,
Ngày nay, trẻ em đã biết đến Internet từ rất sớm, nhanh hơn chúng ta tưởng nhiều, nhưng trên kho báu Internet của nhân loại không phải chỉ là những điều hay mà còn vô số cạm bẫy giăng khắp nơi, không cần kể ra thì chúng ta cũng đã biết tác hại của những trang web đen như thế nào rồi.
Cũng vì những lý do đó, ngoài chuyên mục Sống Đẹp có trên HungLan Design của chúng tôi và trang web Truyện cổ tích Việt Nam bằng màu được HungLan Design giới thiệu rộng rãi từ lâu nay tại địa chỉ vietcomic.blogspot.com dành cho người lớn, nay chúng tôi vẫn không quên các cháu bé đâu, xin giới thiệu thêm trang web truyện tranh dành cho các cháu bé mang tên Truyện của Bé tại địa chỉ truyencuabe.blogspot.com gồm những truyện tranh màu mang tính giáo dục dành cho các cháu bé Mẫu giáo, lớp Một, hoặc các độ tuổi lớn hơn.
Xin trân trọng giới thiệu và mong được quý vị cùng các bạn, nhất là các cháu đến ghé thăm thường xuyên, đồng thời cũng có thể ghi lại nhận xét của mình ngay trên trang web.
- Để ghé thăm trang Truyện Cổ Tích Việt Nam, xin hãy click vào đây.
- Để ghé thăm trang Truyện Của Bé, xin hãy click vào đây hoặc click vào hình trên.
Thực trạng Truyện tranh Việt Nam
- Kính thưa Quý vị Đại biểu
- Kính thưa toàn thể Hội nghị
Truyện tranh là một nhu cầu không thể thiếu của trẻ em. Dù bất kỳ hoàn cảnh nào hay điều kiện sống nào đi nữa, thiếu nhi vẫn thích đọc truyện tranh, đó là điều không thể chối cãi. Nhưng nhìn lại thấy thật đáng buồn, dạo quanh một vòng qua các sạp sách báo, đâu đâu cũng gặp toàn là truyện tranh nước ngoài, nhất là truyện tranh Nhật Bản, Truyện Tranh Việt Nam - ở đây chúng tôi muốn nói đến Truyện tranh do họa sĩ Việt Nam vẽ và truyện tranh có đề tài về Việt Nam - chỉ lác đác đôi ba nơi mới có, nhưng cũng chiếm vị trí rất khiêm tốn, trông thấy mà chạnh lòng.
Nhân buổi hội nghị hôm nay, chúng tôi xin phép được nêu lên đôi nét về thực trạng Truyện Tranh Việt Nam hiện nay, với mong muốn tìm ra một giải pháp khả thi để truyện tranh có một chỗ đứng trong lòng bạn đọc nhỏ tuổi, cũng như một chỗ đứng trên thị trường.
SƠ LƯỢC TÌNH HÌNH:
Một thực tế không thể chối cãi là truyện tranh nước ngoài rất hay và hấp dẫn, vì được đầu tư rất kỹ lưỡng về kịch bản và họa sĩ thể hiện, nhưng chẳng lẽ chúng ta không làm được như họ hay sao? Chúng ta bất lực ư?
Nêu lên vấn đề này là quả thật là bức xúc, vì các Nhà Xuất Bản lớn có thèm để ý đến điều này đâu, họ chỉ việc chạy theo lợi nhuận, truyện tranh nước ngoài chỉ việc photocopy, dịch lời rồi đem in, đâu cần phải vẽ vời làm chi cho mệt, thậm chí ngay cả cái bìa truyện cũng bê nguyên xi, tung ra hằng loạt hết bộ này đến bộ khác mà chẳng thèm đếm xỉa đến đội ngũ họa sĩ kế thừa cho truyện tranh Việt Nam mai sau, nhiều lúc chẳng cần biết hay dở hoặc có yếu tố giáo dục nào trong truyện hay không? chỉ cần hấp dẫn là xong! Lời thoại nguyên bản ra sao thì cứ ghi y chang như thế, lời lẽ ngô nghê, thậm chí khó hiểu nữa là đằng khác, những cảnh hun hít lăng nhăng, đánh đấm ì xèo cứ việc bày ra đấy mà chẳng thèm cắt bỏ, vì cắt bỏ thì thiếu trang, ai sẽ vẽ lại bây giờ cho đủ? chẳng hiểu ghi họa sĩ này họa sĩ nọ biên tập để làm gì nữa?! Truyện Nhật Bản đọc từ phải qua trái thì ta cứ việc photocopy trên giấy can rồi lật ngược tờ giấy lại, thành ra một số truyện có số áo cầu thủ, số nhà v.v… đều đọc ngược cả, chẳng ai thèm sửa vì phải lo cho kịp in để bán, để thu lợi nhuận. Mà chắc chắn là phải có lợi nhuận nhiều rồi, vì có phải trả tiền cho họa sĩ vẽ đâu? họa hoằn lắm thì trả một ít tác quyền cho Nhật Bản mang ý nghĩa tượng trưng, có lợi nhuận nên ai cũng lao vào làm, Nhà xuất bản lớn ở trung ương làm, thì tỉnh cũng làm, anh tư nhân càng làm mạnh hơn nữa, anh chủ quán sách ở đầu đường cũng chẳng kém, đua nhau làm tuốt luốt, vì thấy dễ làm quá, dễ ăn quá, ai dại gì không lao vào. Việc làm của họ đã vô hình trung giết chết đội ngũ họa sĩ vẽ truyện tranh Việt Nam. Sau này ai sẽ là người vẽ truyện tranh cho thiếu nhi chúng ta đọc? đội ngũ họa sĩ truyện tranh Việt Nam có còn tồn tại được hay không? Đây là những câu hỏi đặt ra cho các Nhà xuất bản lớn và cho cả chính chúng ta nữa, cần phải có một lời giải đáp để truyện tranh Việt Nam có cơ hội tồn tại.
Chúng tôi trình bày sự việc trên không có dụng ý nêu đích danh một ai cả, nhưng xin hỏi quý vị, mang danh là một Nhà Xuất Bản lớn, đến cuối kỳ, cuối quý, cuối năm, khi lập bảng tổng kết thành tích, quý vị không thấy xót trong ruột khi nhìn lại mảng truyện tranh Việt Nam của nhà xuất bản mình “bốc hơi” đâu mất sao? Tôi theo dõi hai năm nay rồi, các Nhà xuất bản lớn chẳng hề xuất bản một cuốn truyện tranh nào do họa sĩ Việt Nam vẽ cả. Đó là một sự thật! tuy rằng nó phũ phàng nhưng cần phải nói ra để cho các quý vị quyền cao chức trọng đang ngồi ở Hội nghị này tự xem lại mình. Một Nhà Xuất Bản thành công không phải là một nhà xuất bản có lợi nhuận cao, có số lượng bản in khổng lồ, mà chủ yếu là có những cuốn sách hay, mang tính dân tộc và do chính chúng ta thực hiện thì mới đáng quý, đáng trân trọng, chứ chỉ chú tâm vì nhờ lợi nhuận từ những cuốn truyện tranh nước ngoài cóp lại thì Nhà Xuất Bản ấy có hơn gì là một nhà in hay một nhà buôn sách đơn thuần?
Đành rằng truyện tranh chỉ là một mảng nhỏ trong một Nhà Xuất Bản, nhưng rõ ràng là nhờ nó mà phát triển cho các đầu sách khác. May mà chúng ta vẫn còn có một đôi đầu sách truyện tranh Việt Nam ấn tượng với độc giả, đáng kể nhất là bộ truyện tranh Thần Đồng Đất Việt, nhưng tiếc thay, đó cũng là một công trình của một Công Ty Tư nhân liên kết chứ không phải của chính Nhà Xuất Bản, còn các đầu truyện khác như Cô Tiên Xanh, Tâm hồn cao thượng, Tiên học lễ… thì số lượng có phần hạn chế và chủ yếu là do các Nhà Xuất bản Tỉnh cấp phép. Nhưng rõ ràng so sánh với Truyện tranh Nhật Bản của các đại gia trong ngành xuất bản thì Truyện tranh Việt Nam chỉ là một phần rất nhỏ, như một đứa con côi cút, thấy mà thương!
PHƯƠNG HƯỚNG KẾ HOẠCH
Như vậy, để cải thiện tình hình truyện tranh Việt Nam hiện nay, chúng ta phải làm như thế nào? Chúng tôi xin mạn phép đề ra các phương hướng sau:
1- Hạn chế xuất bản truyện tranh nước ngoài bằng cách cương quyết không cấp phép những bản thảo photocopy vì cần phải tôn trọng tác giả, muốn xuất bản thì phải can (sao chép) lại bằng bút mực, biên tập viên sẽ dễ dàng nhận ra bản vẽ mực và bản photocopy một cách dễ dàng, tất nhiên bìa truyện cũng phải vẽ lại, không được copy nguyên bản, khi duyệt, cần phải trình giấy bản quyền và nguyên bản. Việc này sẽ làm chùn tay bất cứ ai muốn in truyện tranh nước ngoài một cách ào ạt để thu lợi nhuận vì cho dù sao chép lại cũng sẽ mất rất nhiều thời gian, và phải trả tiền cho người sao chép, nếu sao chép không tốt, truyện sẽ không có chất lượng và bán không chạy, còn nếu sao chép tốt, tất nhiên nhuận bút cho người sao chép sẽ cao và sẽ thu hẹp lợi nhuận lại, đồng thời có điều kiện cho người sao chép nâng cao tay nghề thực hành, vì thực tế, số họa sĩ có thể sao chép hoặc vẽ bằng bút sắt chấm mực hiện chẳng có bao nhiêu người. Ngoài ra, tiền xuất bản phí cho một bản truyện tranh nước ngoài sẽ cao gấp 3 lần truyện tranh do họa sĩ trong nước sáng tác. Điều này sẽ khích lệ và động viên đội ngũ họa sĩ trong nước sáng tác nhiều hơn.
2- Nên thành lập một Nhà Xuất Bản chuyên về Truyện Tranh, bao gồm cả trong nước và nước ngoài, truyện tranh thiếu nhi và truyện tranh dành cho người lớn. Giám đốc Nhà Xuất Bản này phải chịu trách nhiệm trước Trung Ương, trước pháp luật và nhất là chịu trách nhiệm trước thế hệ trẻ khi xuất bản truyện tranh tung ra thị trường. Nếu cần cho cả tư nhân tham gia, vì đây là một thành phần kinh tế thực sự rất năng động trên thị trường.
3- Truyện Tranh Việt Nam, ở đây chúng tôi muốn nói đến Truyện tranh do chính họa sĩ Việt Nam sáng tác, cho dù là bất cứ đề tài nào như viễn tưởng, thần thoại, phiêu lưu ở nước ngoài, hoặc các đề tài lịch sử, dân gian, thần thoại, cổ tích, giáo dục của Việt Nam (tất nhiên là do họa sĩ Việt Nam sáng tác rồi) sẽ được khuyến khích bằng cách giảm tiền xuất bản phí, chỉ nên từ 3 - 4% mà thôi, hỗ trợ phát hành và quảng cáo để đưa đến tận tay người đọc một cách dễ dàng nhất. Có được những yếu tố thuận lợi này, chúng tôi tin rằng các họa sĩ sẽ không cần đi chụp photocopy nữa, mà cầm lấy cây bút để sáng tạo, hầu cho ra đời những cuốn truyện tranh hay và có giá trị hơn. Được như vậy mới mong truyện tranh có hy vọng phát triển và tồn tại.
PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN:
Muốn phát triển được các yếu tố nêu trên, theo chúng tôi thì cần phải thực hành triệt để các việc sau:
1- Các Nhà xuất bản cần có đội ngũ biên tập viên truyện tranh có tay nghề thực sự, xem qua bản thảo đã biết truyện này copy hay sáng tác ngay, phân biệt bản vẽ tay một cách chính xác và nhanh chóng, cần kiên quyết và triệt để, không dễ dãi để lọt ra ngoài thị trường các bản thảo bất hợp pháp.
2- Cần thành lập các Nhóm truyện tranh trong Nhà xuất bản, mỗi nhóm phụ trách một mảng đề tài riêng biệt, có định hướng giáo dục và chuyên môn, chất lượng, để có thể tạo ra những cuốn truyện tranh hay và hấp dẫn. Việc này bước đầu tất nhiên sẽ hơi tốn kém, nhưng khi các nhóm định hình được phong cách vẽ và đề tài rồi thì đây sẽ là một tài sản vô giá cho Nhà Xuất bản và cho cả Truyện tranh Việt Nam có cơ hội phát triển.
3- Theo chúng tôi được biết, Khoa đồ họa của ngành Mỹ thuật công nghiệp và Đại học Mỹ thuật có dạy về Vẽ truyện tranh, nhưng còn quá hời hợt và thời lượng quá ít, không đủ cho sinh viên nắm rõ các quy trình xuất bản một cuốn truyện tranh hoặc phân cảnh kịch bản, dựng hình, hậu cảnh để thực hiện. Cần phải tăng cường thêm khâu đào tạo này, may ra có thể tạo nguồn nhân lực để phát triển Truyện tranh Việt Nam mai sau.
Kính thưa Hội nghị,
Với tâm huyết của một người vẽ truyện tranh lâu năm, nêu lên những ý kiến này, chúng tôi không hề có ý muốn chê trách ai hoặc đả kích một nhà xuất bản nào cả, chúng tôi chỉ muốn nói lên nỗi bức xúc của mình trước thực trạng não lòng của Truyện tranh Việt Nam hiện nay và mong tìm ra lối thoát mà thôi. Kính mong quý vị hãy cùng thảo luận để đưa ra những biện pháp tốt nhất, những phương hướng khả thi nhất hầu cho Truyện Tranh Việt Nam có cơ hội tồn tại trên thị trường năng động và khốc liệt nhất hiện nay. Xin chân thành cám ơn quý vị và kính chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.
(Trích nguyên văn bài tham luận về thực trạng Truyện Tranh Việt Nam của Họa sĩ Hùng Lân, cũng là người quản trị web site này, được trình bày tại Cuộc Hội Thảo về Truyện Tranh do Cục Xuất Bản tổ chức tại Hà Nội ngày 17 tháng 10 năm 2003.)
Giới trẻ nghĩ gì về Truyện tranh Việt Nam?
Một vài bạn trẻ có gởi thư cho tôi, chân thành cũng có mà cộc lốc cũng có, nói chung xoáy vào ba điều như sau:
- Chê truyện tranh VN bây giờ dở quá, không thích hợp với lứa tuổi 16, 17 của các bạn ấy.
- Tôn sùng và bắt chước manga & anime gần như y khuôn, coi đó là thần tượng của mình.
- Thất vọng vì các bản vẽ của các bạn không được NXB chấp nhận.
Từ 3 ý kiến này, tôi xin mạn phép đưa ra một vài nhận xét cũng như vài phương hướng để chúng ta đi vào thực tiễn sáng tác, vì chúng ta nói quá nhiều rồi, báo chí cũng lắm mà pho-rum cũng vô số. Thôi thì xin phép các bạn vậy, tôi xin đi thẳng vào vấn đề.
Trước hết là các bạn chê truyện tranh VN bây giờ dở quá, vừa không hấp dẫn, vẽ lại xấu chứ không đẹp và kỹ như truyện Nhật, đơn cử như truyện Cô Tiên Xanh chẳng hạn, nội dung thì giáo dục tầm thường và chán ngắt, hình vẽ thì đơn giản, không cách điệu… Tôi là người vẽ truyện CTX đây mà, nghe cũng xót ruột lắm, và da mặt cũng phải dày thêm 5 phân nữa mới dám viết những dòng này. Tuy nhiên tôi không buồn đâu, vì tôi đang lắng nghe các bạn đây.
Các bạn cũng biết đấy, CTX đã phát hành hơn 200 tập, một con số không phải dễ dàng gì thực hiện ngày một ngày hai được, do đó CTX không phải do một mình tôi vẽ, mà còn có 3 họa sĩ khác nữa, đó là Họa sĩ Kim Khánh, Nguyệt Minh và Phan Mi. Tôi là người mới vẽ sau này, thời gian ba năm trở lại đây mà thôi. Để tạo ra một cuốn truyện tranh, cần phải có kịch bản, mà ở VN ta không phải cứ thích viết gì, vẽ gì là cũng được các NXB chấp nhận ngay đâu, ít nhất trong đó phải có một yếu tố giáo dục nào đó, do vậy mà các truyện CTX có người viết kịch bản riêng, họa sĩ chỉ vẽ theo các kịch bản NXB đã duyệt, nhiều khi cũng không ưng ý lắm, nhưng cũng phải vẽ vì đã duyệt rồi. Điều đáng nói là đối với lứa tuổi như các bạn thì CTX không thích hợp là phải rồi, vì đối tượng chủ yếu của CTX là thiếu nhi, mà đối với thiếu nhi thì nói chuyện giáo dục không thừa đâu các bạn ạ, ngay đối với các thanh thiếu niên như các bạn vậy, có bạn ăn nói còn chưa biết lễ phép là gì thì đừng nên cho việc giáo dục là nhàm chán, là rẻ tiền…
Có nhiều công việc lắm lúc mình không ưng ý nhưng vẫn phải làm, vì đó là cuộc sống, còn không thì phải bỏ nghề thôi, đã đam mê thì phải chấp nhận gánh gồng, chê cái này chê cái nọ thì quá dễ, nhưng để làm ra nó thì không dễ đâu các bạn ạ, tuy CTX không được hay, vẽ không được đẹp, nhưng những người thực hiện chúng tôi vẫn tự hào là cứ mỗi cuốn truyện được phát hành, chúng tôi mang đến cho các em thiếu nhi một gương sáng, một điều tốt, thế là tạm đủ, còn kẻ khen người chê, đó là chuyện bình thường.
Vâng, để có những cuốn truyện tranh VN hay, vẽ đẹp, cốt truyện súc tích, cao siêu, hấp dẫn, vừa mang tính giáo dục và vừa không nhàm chán, điều ấy không chỉ ngày một ngày hai mà làm được đâu, mà chúng ta cần phải có một bước đột phá mới được. Như tôi đã nói ở các bài viết trước, bước đột phá ở đây có nghĩa là có một cơ chế thông thoáng, có một thị trường rộng mở và có một môi trường cho các họa sĩ có thể làm việc và sống được, nghĩa là bãi bỏ những xuất bản phí linh tinh để dành đấy mà tăng tiền nhuận bút cho các họa sĩ, vì không ai có thể nuốt “không khí” mà làm nghệ thuật được, họa sĩ cũng cần có thù lao tương xứng để sống và sáng tác.
Muốn vậy, chúng ta không chỉ hô hào hoặc viết vài trăm bài viết trên forum là xong đâu, mà chúng ta cần phải xắn tay áo vào làm. Có bạn bảo rằng, hãy nghe chúng tôi nói để biết chúng tôi muốn gì, muốn đọc gì, muốn xem gì. v.v. và v.v. người lớn các người đừng áp đặt mà hãy làm cái này cái nọ cho chúng tôi, đáp ứng điều này điều kia cho chúng tôi… Xin thưa với các bạn, tôi muốn trích ra đây câu nói của Tổng thống Hoa Kỳ John Kennedy ngày xưa là “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho bạn, mà hãy tự hỏi rằng, bạn đã làm gì cho tổ quốc?”.
Các bạn đặt câu hỏi đó với tôi thì tôi cũng đành chịu, vì tôi cũng như các bạn, chỉ là một họa sĩ bình thường mà thôi, nếu như tôi là Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa Thông Tin hoặc Giám Đốc một Nhà Xuất Bản nào đó thì đó là chuyện khác, tôi sẽ tự quyết định các phương hướng để phát triển dựa vào kinh nghiệm và thị hiếu người đọc, còn như bây giờ, tôi muốn đáp ứng cũng có được đâu? Đã mấy lần tôi đưa ra những kế hoạch, những cốt truyện mới để phát triển truyện tranh VN, cho thiếu nhi và cho thanh thiếu niên, kể cả truyện tranh dành cho người lớn nữa, nhưng các NXB họ có chú tâm tới đâu, tôi đành phải xếp xó vậy, không những tôi mà rất nhiều họa sĩ tâm huyết khác cũng chịu chung số phận như tôi, rất nhiều người đã chuyển nghề khác và số họa sĩ thực sự còn cầm bút vẽ sáng tác ở VN hiện nay hình như chỉ đếm được trên dưới mười người. Vâng, trên dưới mười người cho hơn 80 triệu dân, quả là một con số đáng buồn?!! Nếu vậy chẳng lẽ làm nghề họa sĩ truyện tranh không sống nổi ở Việt Nam ư? Theo tôi biết thì hầu hết các họa sĩ truyện tranh ở VN đều giao bản thảo cho các đối tác tư nhân liên kết với các Nhà Xuất Bản, đối tác ấy bỏ tiền ra in ấn và phát hành toàn bộ, lời lãi do họ chịu nên nhuận bút do họ quyết định là phải rồi, NXB chỉ có hình thức là biên tập và thu tiền xuất bản phí, thế là xong! Còn việc tiền nhuận bút là bao nhiêu ư? điều đó tùy thuộc vào thị trường quyết định cuốn truyện ấy bán có chạy hay không thì mới biết là số lượng in nhiều hay ít, nhuận bút cũng tùy thuộc vào các yếu tố này. Ở Tây Âu hay là Mỹ, một cuốn truyện tranh màu 64 trang có tiền nhuận bút thừa cho tác giả sống trong vòng 6 tháng đến 1 năm. Ở Nhật Bản một cuốn truyện tranh khổ nhỏ 100 trang cũng có tiền nhuận bút cho tác giả đủ sống trong 6 tháng. Còn ở Việt Nam, tiền nhuận bút cho một cuốn truyện khổ nhỏ 100 trang như thế giỏi lắm chỉ đủ sống trong vòng 1 tháng là may lắm. Vâng, 100 trang, nghĩa là mỗi ngày bạn phải hoàn thành 4 trang vẽ, kể cả soạn kịch bản, phân cảnh, vẽ tay trên giấy can, chụp đưa vào vi tính và dùng đồ họa vi tính để xử lý từng hình, từng trang, rồi in ấn chế bản ra từng trang một, liên tục từ ngày này qua ngày khác trong suốt một tháng ròng, và bạn cũng không được phép bệnh, vì bệnh thì sẽ trễ hạn giao cho Nhà Xuất Bản ngay, tuy căng thẳng như thế nhưng tiền nhuận bút chỉ để đủ cho bạn cầm cự sống mà thôi. Tôi nghĩ đó chính là câu trả lời vì sao mà đội ngũ họa sĩ vẽ truyện tranh VN không nhiều là vậy.
Ngoài ra, trong việc sáng tác và xuất bản truyện tranh VN, không phải có nhiệt tình và tài năng là đủ đâu, mà còn chịu những khắc nghiệt do thị trường đưa tới nữa. Cách đây mấy năm, nếu các bạn theo dõi thì sẽ nhớ là có một tuyển tập truyện tranh màu rất đẹp, không hề thua kém truyện tranh nước ngoài, nội dung rất hay và in màu trên giấy láng do Họa sĩ Văn Minh thực hiện mang tên là Cọ Non, nói chung là rất tuyệt vời về nội dung và hình thức, thế mà ra chỉ được vài số là chết yểu, thật vô cùng đáng tiếc! Ngay cả những người trong nghề như chúng tôi cũng phải tiếc thay cho anh Văn Minh và nhiệt huyết của anh. Tôi chỉ đưa ra một thí dụ đó thôi để các bạn biết thế nào là tính khắc nghiệt của thị trường, một vài bài viết không thể nào nói hết được.
Những nguyên nhân đó đã làm nhụt chí và đã làm cho giới họa sĩ truyện tranh hầu hết bỏ nghề đi làm việc khác. Mười lăm năm trước đây, đội ngũ họa sĩ chúng ta có khá nhiều nhưng ngày nay Văn Minh đã chuyển nghề khác, Nguyễn Trung Tín tập trung cho việc giảng dạy, Hoàng Tường chuyển sang vẽ mỹ thuật, Đức Lâm chuyển sang biên dịch, Duy Hải chuyển sang nghề in lụa, Kim Mai Trúc Thanh, Lâm Quốc Trung, Lê Minh hầu hết đã có tuổi và đã ngưng sáng tác, số còn lại quay sang việc xuất bản truyện copy. Điều đáng mừng là còn Họa sĩ trẻ Lê Linh với bộ Thần Đồng Đất Việt với sự hà hơi tiếp sức của Cty Phan Thị nên sẽ đứng vững được, Nguyễn Tiến Sỹ với bộ truyện Dzom cũng thế, anh còn rất trẻ để sát cánh cùng truyện tranh VN, tạo ra những tập truyện hay và ưng ý.
Trong tình hình như thế, chúng ta cũng nhận thấy để vực dậy nền truyện tranh hiện nay không phải là dễ dàng gì, vì hơn mười năm nay, nói chính xác là từ khi bộ truyện Đôrêmôn xuất hiện ở VN và hàng loạt truyện Nhật Bản xuất hiện sau nó, giới trẻ đã có một cách nhìn khác, ham muốn hơn và đòi hỏi nhiều hơn.
Thành thật mà nói, đây chính là sự thất bại của giới họa sĩ vẽ truyện tranh của chúng tôi, vì trong thời điểm này, các họa sĩ không biết nắm tay nhau hợp sức lại để sáng tạo và phát triển, hầu cạnh tranh với cơn lốc manga anime, mà lại xé lẻ và manh mún, rất đông họa sĩ không thèm cầm bút vẽ nữa mà lại chuyển sang photocopy truyện Nhật rồi đem in, không ít người phất lên nhanh chóng và sắm xe hơi lia lịa, mạnh ai nấy làm vì không cần vẽ mà lại có tiền nhiều và nhanh, chỉ cần dịch lời, photo và viết lời là xong, thậm chí có họa sĩ không thèm cầm bút kim viết lời nữa kìa, họ bỏ tiền ra thuê người khác viết, và họ cho đó là thị trường, là thức thời, là biết làm ăn. Ngay chính các Nhà Xuất Bản cũng tiếp tay cho họ, cứ việc copy và xuất bản thoải mái, không vẽ nên hoàn thành bản thảo copy rất nhanh, kịp phát hành và lợi nhuận nhiều, ai mà chẳng ham?
Tình trạng ấy kéo dài hơn mười năm nay và cả đến tận bây giờ, quãng thời gian mười năm ấy đủ để đào tạo mấy thế hệ họa sĩ truyện tranh, thế mà chẳng ai quan tâm, chẳng ai nhắc nhở, chỉ còn một số rất ít vẫn chấp nhận cầm bút vẽ truyện tranh VN, đối trọng với cả một rừng truyện tranh nước ngoài, thế mà những cuốn truyện tranh VN ấy vẫn sống và sống cho đến tận hôm nay, bộ truyện CTX là một ví dụ. Rất nhiều người chê bai nó, nhưng phải hiểu rõ quá trình phấn đấu thì mới thông cảm được tâm huyết của những người thực hiện, nhiều người chê bai hết sức thậm tệ là vẽ xấu, là giáo dục tầm thường, nhưng tôi xin được hỏi, nếu quả tình truyện CTX tệ như thế thì làm sao nó vẫn tồn tại đến hơn 200 tập như bây giờ, người đọc không ngu dại gì cứ bỏ tiền ra mua những cuốn truyện dở như thế năm này qua năm khác, và cho đến tận hôm nay, cứ đều đặn 2 tuần phát hành một cuốn.
Thậm chí có nhà báo nọ viết rằng Truyện tranh là thế giới của sự cách điệu mà truyện CTX lại bê nguyên xi như ngoài đời đưa vào, xin thưa với anh là làm nghệ thuật thì phải trăm hoa đua nở, có truyện vẽ theo cách điệu, có truyện vẽ theo tả thực mới phong phú được chứ, chẳng lẽ cuốn nào cũng phải cách điệu cả sao? Đó có khi không phải là lỗi của họa sĩ, mà có thể là họ phải làm theo yêu cầu của đối tác và của NXB. Nhà báo ấy còn chê rằng trong lúc truyện tranh Nhật Bản vẽ áo quần kiểu này sang kiểu nọ rất đẹp, hậu cảnh thì đưa tới vùng Ai Cập huyền bí xa xôi, tới những lâu đài bí ẩn, còn truyện tranh CTX thì cứ quanh đi quẩn lại cảnh thôn quê đường làng, cảnh lớp học, đường phố , ngõ hẻm, trang phục thì nghèo nàn, cứ áo quần xanh trắng, khăn quàng trên vai chán ngắt, vậy xin hỏi anh là kịch bản truyện như vậy chẳng lẽ chúng tôi vẽ theo kiểu anime mới đúng ý anh ư? Hay là làm vậy thì người khác lại cho rằng chúng tôi khùng? Còn đâu là những cậu bé nghèo hiếu thảo, còn đâu là những học sinh ngoan giúp bạn vượt khó? Thiếu nhi ở VN đi học không vẽ khăn quàng thì vẽ gì đây? gặt lúa chăn trâu mà không vẽ thôn quê đường làng thì vẽ gì đây? chẳng lẽ vẽ cảnh chăn trâu trên phố phường Tokyo hay trong lòng kim tự tháp Ai Cập? Rất may là dưới bao lời chê bai đả kích của những người cực đoan, bộ truyện này vẫn được các bạn nhỏ tuổi dành cho sự ưu ái và đón nhận nên mới sống đến ngày hôm nay, và chúng tôi tin rằng, nó vẫn còn sống thêm một thời gian dài nữa, vì thiết nghĩ giáo dục không bao giờ thừa. Bộ truyện này của đối tác tư nhân liên kết bỏ tiền ra làm chứ có phải được Nhà nước bù lỗ đâu? Nếu nó không được các vị phụ huynh và các cháu thiếu nhi đón nhận mua về, thì chắc hẳn đối tác ấy sập tiệm từ lâu rồi.
Có người lại bảo sao truyện của chúng ta vẽ xấu và không kỹ bằng Nhật Bản? Điều đó rất đúng, vì ở Nhật Bản, để thực hiện một cuốn truyện tranh, họ thường có một nhóm khoảng 7, 8 người hoạt động trong những điều kiện tối ưu, người chuyên viết kịch bản, người chuyên phân cảnh, người phác bằng bút chì, người chuyên viết chữ, người chuyên vẽ bút mực, người chuyên vẽ chi tiết, người chuyên tô màu, người chuyên về đổ tram và xử lý bằng vi tính, có vậy mới nhanh và đẹp được, còn ở VN chúng ta có ai đỡ đầu đâu mà lập nhóm? Họa sĩ thường phải tự mình thực hiện, tiền nhuận bút có đủ đâu mà thuê thêm người? để vẽ một cuốn có chất lượng như Nhật Bản, một họa sĩ cần phải làm 3 tháng mới xong, tiền nhuận bút chỉ đủ cho anh ta sống 1 tháng, còn 2 tháng kia ngồi nuốt không khí mà vẽ à? trong lúc cần phải hoàn thành nhanh cho kịp thời gian thì làm sao mà vẽ cho kỹ được? Do đó mà các họa sĩ phải liệu cơm gắp mắm, cố hoàn thành cho kịp giao bản thảo để phát hành cho nên chất lượng không được như Nhật Bản là đúng rồi.
Chúng ta biết phê phán, biết chê bai, sao chúng ta không thử bắt tay viết kịch bản cho hay hơn, cho giáo dục cao siêu hơn, cho hấp dẫn hơn đi, sao chúng ta không cầm lấy bút vẽ sáng tạo ra nhiều nhân vật hay đẹp để đưa đến tay người đọc những bộ truyện hay và hấp dẫn đi? Tóm lại, nói thì hay lắm, nhưng làm thì chỉ là một con số không to tướng.
Cũng từ thời điểm đó giới trẻ VN bắt đầu đam mê truyện Nhật Bản, thấy đẹp nên bắt chước vẽ theo, rất nhiều bạn cũng tập tành vẽ theo nét vẽ đó, không thể nào trách họ mê truyện nước ngoài được, vì truyện tranh VN chúng ta không có để mà đáp ứng cho họ, nhưng từ chỗ đam mê bắt chước, các bạn trẻ lại lên giọng kẻ cả, phê phán đòi hỏi xã hội phải làm cái này cái nọ cho họ, phải đáp ứng cho họ những bộ truyện này truyện kia để thích hợp với lứa tuổi của họ, không vừa ý thì họ lên án, chống đối, chê trách. Tôi không đồng ý về những thái độ này, vì các bạn ấy chỉ biết khinh miệt mà không biết xây dựng, các bạn nói nhiều lắm, nhưng chính các bạn đã đưa ra được một đề tài nào mới, một nhân vật nào mới hoặc một kịch bản nào mới chưa? hay là chỉ biết đưa lên mạng những hình ảnh bắt chước anime manga của Nhật Bản rồi lại tự phong cho mình là trào lưu hiện tại, là đã tìm ra thần tượng của giới trẻ, v.v và v.v…
Năm này qua năm khác, lối vẽ ấy đã nhập tâm trong óc, hễ cầm bút lên phác thảo là giống như lối vẽ Nhật Bản. Người xưa có nói: “Trong nghệ thuật, bắt chước chính là tự giết mình”. Quả thật một số đông bạn trẻ có đưa cho tôi xem một vài trang vẽ của mình, tôi cố tìm ra một nhân vật nào đó khác với manga anime để thể hiện sự sáng tạo của bạn ấy nhưng hầu như không có. Mà nói thật, bắt chước thì làm sao đẹp bằng nguyên bản truyện Nhật được. Điều đáng bắt chước anime và manga đó là học hỏi cách dựng hình nhân vật, cách phân cảnh sao cho sinh động và hấp dẫn, cách ứng dụng đồ họa vi tính làm nền, đổ tram vào tranh vẽ… thì chúng ta không học, chúng ta cứ bắt chước vẽ mắt cho to, cho long lanh như họ, miệng mím nhỏ lại hoặc há toác ra mười hình như một, điều đó có lợi gì đâu? Chắc chắn họ vẽ đẹp hơn ta rồi. Do đó mà có một vài bạn trẻ sau khi vẽ được đôi ba chục trang đưa tới Nhà Xuất Bản, NXB thấy giống truyện Nhật quá, mà lại không đẹp và hay bằng truyện Nhật, do đó ai dại gì bỏ tiền ra đầu tư in ấn nên từ chối, NXB không nhận nên tác giả sinh ra buồn lòng và cho rằng xã hội không ưu ái đến “tài năng” của mình, và thế là lại đả kích truyện tranh VN tiếp. Những việc làm như thế này chắc chắn không có lợi cho sự phát triển truyện tranh VN cũng như cho chính tác giả trẻ ấy.
Vậy thì theo chúng tôi, bạn hãy nhìn vào thực tại mà sáng tác ra cái mới, cho dù chưa hay nhưng là của mình, dần dần rồi cũng sẽ đẹp và hay thôi, tôi nghĩ nếu cố gắng thì các bạn trẻ ấy sẽ thành công. Xin các bạn trẻ hãy nhớ rằng, để tạo nên lối vẽ Anime Manga, các họa sĩ Nhật Bản phải bỏ ra hằng chục năm mới có được như ngày hôm nay, chúng ta cần học hỏi họ chứ đừng nên bắt chước y khuôn theo họ, vì bắt chước thì không thể nào bằng họ rồi, mà chúng ta lại bị đánh mất chính mình nữa.
Một điều tôi muốn nhắn nhủ các bạn trẻ là hãy nói ít lại và dành thời gian cầm bút vẽ nhiều hơn đi, và quan trọng hơn là hãy biết khiêm tốn học hỏi, chớ vội khoe khoang và chê bai người này người khác mà hãy tìm học cái hay trong họ, ngay chính tôi đây, tôi đã có hơn 500 đầu truyện tranh được xuất bản, đầu đã hai thứ tóc, thế mà tôi vẫn phải ráng học, học từ anime manga, học từ những ý tưởng ngây ngô mới lạ của các em nhỏ, học từ những bức tranh vẽ chệch choạc của các bạn trẻ để tìm ra cái hay cái mới. Không muộn đâu các bạn ạ! Tôi tin rằng với niềm say mê và tin vào khả năng của mình, các bạn sẽ thành công, vực dậy được thị trường truyện tranh VN hiện nay, và biết đâu sau này sẽ có một lối vẽ mang đậm phong cách riêng cho VN mình như anime của Nhật vậy, phải không các bạn?
Vì sao Truyện tranh Việt Nam vẫn trì trệ?
Rất nhiều bạn trẻ cũng như các phóng viên thường đặt câu hỏi này với tôi khi đề cập đến tình hình xuất bản và phát hành Truyện tranh Việt Nam hiện nay, vì các bạn ấy cứ cho tôi là lão làng trong truyện tranh nên dễ tìm ra câu trả lời. Sự thực không là như vậy đâu. Ở Khu vực phía Bắc thì lâu nay im hơi lặng tiếng nên ngoại trừ bác họa sĩ Thy Ngọc ra, số họa sĩ lão làng sau này tôi không nắm rõ lắm, nhưng ở khu vực phía Nam quả thực là có rầm rộ hơn từ ngày đất nước ta đổi mới nên số họa sĩ có nhiều hơn. Theo tôi, nếu gọi là lão làng trong truyện tranh Việt Nam thì phải kể đến 3 người có ảnh hưởng nhất và mang dấu ấn đậm nhất với những phong cách riêng biệt, đó chính là các họa sĩ Nguyễn Trung Tín, Văn Minh và Đỗ Hoàng Tường, chứ tôi không dám là lão làng đâu. Có điều các họa sĩ ấy ngày nay không còn vẽ truyện tranh nữa nên các cháu thường hay đặt vấn đề này với tôi, vì tôi còn cầm bút và để như là có người đối ẩm trước tình hình trì trệ hiện nay của Truyện tranh Việt Nam mà thôi.
Các bạn trẻ bây giờ muốn tìm lại truyện tranh của các họa sĩ tôi nói ở trên để học hỏi e rằng hơi khó vì ngày ấy chúng tôi xuất bản không có các điều kiện tối ưu như vi tính, in ấn tuyệt vời như hiện nay, do vậy mà chất lượng giấy in không bền, đến nay thì cũ nát cả, nhưng tôi cũng xin trình bày ra đôi chút phong cách vẽ của các họa sĩ lão làng trên, sau đó, chúng tôi sẽ cố gắng tìm tài liệu và bổ sung trong một ngày rất gần:
Họa sĩ Nguyễn Trung Tín chuyên về lối vẽ thực bằng bút sắt, kỹ lưỡng và chi tiết thì không ai bằng, cách ông dựng hình phân cảnh cũng như đặc tả ánh sáng thuộc vào loại bậc thầy. Các cây bút trẻ ngày nay thường chuộng lối vẽ cách điệu mà chê lối vẽ thực quả là chưa hiểu gì về truyện tranh, nếu các bạn ấy có dịp xem truyện tranh của Nguyễn Trung Tín thì chắc chắn họ sẽ nghĩ khác ngay. Lối vẽ của Nguyễn Trung Tín chuyên về Cổ tích, trong và ngoài nước, về Lịch sử VN là thích hợp với ông nhất. Tiếc rằng hiện nay Nguyễn Trung Tín không vẽ truyện tranh nữa, lo tập trung cho việc giảng dạy mỹ thuật tại các trường đại học.
Họa sĩ Văn Minh ngày nay chuyển sang việc xuất bản các văn hóa phẩm nghệ thuật chứ không còn vẽ truyện tranh nữa, nhưng lúc trước, lối vẽ của ông chuyên về cả hai, vừa vẽ thực vừa cách điệu, cách vẽ của ông bay bổng, vì ông thường dùng cọ chấm mực Tàu nên độ đậm mảnh của nét vẽ cũng như ánh sáng thật là tuyệt vời. Cách phân cảnh của ông trong truyện rất phóng khoáng, không lệ thuộc vào khung hình mà chỉ chú trọng vào tình huống cốt truyện, cách này khiến người xem thấy rất thích thú. Lối vẽ của ông vừa ảnh hưởng Truyện Trung Quốc vừa ảnh hưởng comic của Tây nên rất đa dạng và phong phú, có phong cách riêng, khác hẳn với anime manga hiện nay, ông vẽ đủ thể loại, cổ điển, phiêu lưu, giả tưởng, hoạt hình đều đẹp.
Họa sĩ Đỗ Hoàng Tường so với chúng tôi thì tuổi đời trẻ hơn, nhưng theo tôi, ông cũng là một trong 3 lão làng của Truyện tranh Việt Nam hiện nay. Đặc điểm của Hoàng Tường là ông vẽ rất nhanh, nhưng rất chuẩn và rất chi tiết, từng nếp gấp của áo quần, từng chi tiết của trang phục, bụi cây, gốc đá bên đường, ông chỉ cần vung vài nét bút là diễn tả đầy đủ các chi tiết nhỏ nhặt ấy. Anh em chúng tôi một dạo cười như nắc nẻ khi thấy trong một trang truyện nọ, xin lỗi!?, ngay cả… hậu môn của một con ngựa chiến nhỏ xíu mà ông cũng không bỏ qua (truyện Mạnh Lệ Quân), tôi nói lên giai thoại nhỏ này để các bạn trẻ ngày nay biết được các phong cách vẽ của các bậc đàn anh đi trước mà học hỏi chứ không có ý gì khác. Lối vẽ của Hoàng Tường không chú trọng nhiều về ánh sáng, nhưng xem truyện của ông, người ta vẫn thấy sinh động vì cách dựng hình cũng như cách bố cục hậu cảnh của ông không chê vào đâu được. Cũng như Văn Minh, Hoàng Tường vẽ đủ mọi thể loại, nhưng mạnh nhất của ông là truyện lịch sử và hoạt hình. Tiếc rằng ngày nay chỉ thấy Hoàng Tường chuyên vẽ mỹ thuật, và những tác phẩm của ông rất ấn tượng, đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, có phải vì vậy mà ông quên Truyện tranh Việt Nam chăng? vì đã hơn 10 năm nay, chúng tôi không còn thấy truyện tranh của ông xuất bản nữa.
Vì sao mà tôi lại kể ra những điều này làm gì? Đó là vì tôi muốn nói với các bạn trẻ rằng: nguồn nhân lực của chúng ta không thiếu. Với tài nghệ của các vị chuyên gia tôi nêu ở phần trên, cộng với lối vẽ anime manga của một số bạn trẻ hiện nay, thì quả thực chúng ta có đủ sức để làm Truyện tranh Việt Nam chứ! Nếu thế thì tại sao Truyện tranh Việt Nam ngày nay vẫn đang trì trệ như vậy? Vâng, câu hỏi này không phải dễ dàng mà trả lời ngay được. Tôi cũng bức xúc như các bạn lắm chứ, do vậy mà tôi xin nêu ra đây một vài nhận xét, tuy rằng đó chỉ là ý kiến của riêng tôi mà thôi.
Chúng ta đã biết rồi, bóng đá Việt Nam cho dù đầu tư đến cỡ nào đi nữa, tốn hàng nghìn tỷ đồng đi nữa thì vẫn không sao bằng Braxin được. Đó là điều chắc chắn, không cần phải bàn cãi. Thế thì Truyện tranh Việt Nam cũng vậy. Không thể nào chúng ta đuổi kịp truyện tranh Nhật Bản đâu. Nói thế không có nghĩa là chúng ta vô vọng, tuy không bằng, nhưng chúng ta cũng phải có một đôi cái gì đó để gối đầu giường, chứ không phải bỏ mặc, chụp giật truyện tranh Nhật Bản để kiếm lời như hiện nay. Một tác hại không kém phần quan trọng là với lối làm ăn chụp giật của các Nhà Xuất bản trước đây, vô hình trung họ đã quảng cáo không công cho truyện tranh Nhật, làm tuổi trẻ quen với văn hóa manga anime của trong các truyện tranh ấy, sinh ra coi rẻ những giá trị tuy rằng còn rất nhỏ bé của Truyện tranh Việt Nam.
Nguyên nhân thứ nhất đó là Nhật Bản đã trải qua hàng chục năm phát triển truyện tranh nên kinh nghiệm nhiều hơn ta, tất nhiên đội ngũ họa sĩ của họ cũng nhiều hơn ta rồi, qua mấy chục năm nên họ đã được đào tạo và rèn luyện kỹ càng trong lúc việc đào tạo họa sĩ truyện tranh của chúng ta chỉ là con số không, hầu hết đều là tự phát, ngay chính tôi đây cũng vậy. Thế thì làm sao chúng ta theo kịp ông khổng lồ truyện tranh Nhật Bản ấy được? Cho dù ta cố bắt nhưng ta tiến họ cũng biết tiến chứ, không thể nào kịp được, đó là một thực tại hiển nhiên không cần phải bàn cãi.
Nguyên nhân thứ hai quan trọng hơn nhiều, đó là yếu tố thị trường tiêu dùng chúng ta còn kém họ xa, ta đang nằm ở các nước đang phát triển, thu nhập chúng ta còn đang thấp, trong lúc Nhật Bản đã là nước tiên tiến từ lâu, thu nhập của họ cao gấp gần ba mươi lần của ta, họ giàu hơn nên họ chi xài nhiều hơn ta, nhất là khoản văn hóa thì họ không tiếc, họ sẵn lòng bỏ tiền ra mua hết bộ truyện tranh này đến bộ truyện tranh khác, mà cuốn nào cuốn nấy dày cộm, khoảng trên 500 trang khổ lớn chứ ít đâu, trong đó có rất nhiều đề tài chung vào một tập, có khi chỉ đọc đôi ba truyện họ vẫn mua xem rồi quăng ở đâu đó. Thiếu nhi mua về xem đã đành, cha mẹ cũng mua về, do vậy mà thị trường phát hành có số lượng cao, giá thành in ấn sẽ rẻ đi rất nhiều và khoản nhuận bút trả cho họa sĩ cũng hậu hỉ không kém, họa sĩ có thu nhập cao và vững vàng, tất nhiên sẽ an tâm mà làm việc, nét vẽ sẽ đẹp hơn và cốt truyện hay hơn, truyện hay nên thị trường phát hành sẽ rộng hơn và cái lôgic ấy cứ xoay vần mãi.
Còn chúng ta đang chập chững mới vào nghề, không chịu đào tạo mà thích chụp giựt để kiếm lời nên không chịu vẽ, không chịu sáng tác, chỉ biết copy nguyên xi của họ dịch ra cho mau để bán kiếm lời, do vậy nền truyện tranh của ta chết yểu là phải, thu nhập bình quân của nước ta không cao nên có dám bỏ tiền ra mua truyện tranh thường xuyên đâu, thị trường của ta tiêu thụ không nhiều nên số lượng in không cao, lợi nhuận thấp nên nhuận bút cho họa sĩ thấp, ai nấy đều chán và bỏ nghề vì theo nghề thì làm sao mà đủ sống? Thu nhập, thời gian không có đủ thì làm sao mong sáng tác ra được những cuốn truyện hay? Mà truyện không hay thì ít người mua, phát hành bị lỗ rồi chết yểu, lại sa vào cái vòng lôgic lẩn quẩn ngược với truyện Nhật Bản.
Những yếu tố đó vây bọc người họa sĩ Truyện tranh Việt Nam thì lấy đâu cho ra được những tác phẩm hay bây giờ? Do vậy mà hết Nhà Xuất Bản này tới Công Ty Văn hóa nọ đồ sộ thế kia nhưng tổng kết lại thì được mấy đầu sách Truyện tranh Việt Nam? Đếm chưa hết mười đầu ngón tay, so với Nhật Bản thì chưa bằng họ ra 1 ngày!? Tuy nhiên, kể sự thật ra như thế để biết mà phấn đấu chứ chúng ta cũng đừng buồn, vì không phải chúng ta mà hằng loạt nước khác trong khu vực và trên thế giới cũng chịu sự thống trị của truyện tranh Nhật Bản như ta, trong khu vực thì ngoài HongKong, Hàn Quốc và Singapore ra là tương đối cầm cự được, còn Thái Lan, Malaysia, Indonesia… cũng đều như ta vậy, truyện tranh trong nước không phát triển nổi. Các quốc gia Âu Mỹ cũng thế, ngoại trừ Mỹ, Pháp, Đức, Ý, Bỉ, Tây Ban Nha có nền truyện tranh vững vàng, số còn lại cũng như ta mà thôi. Ngay cả nền truyện tranh ở Mỹ vững chắc là thế, ngày nay cũng đang rung rinh trước làn sóng anime manga của Nhật Bản tràn vào chứ đừng nói chi đến Việt Nam của chúng ta.
Truyện tranh Nhật Bản phát triển như thế đã đành, thỉnh thoảng họ lại tung ra những chiêu quảng bá hình ảnh truyện tranh của họ trên khắp thế giới, nào là văn hóa manga, Câu lạc bộ Anime, Tiếng hát Otaku… v.v và v.v… mời gọi mọi người. Thấy lạ nên mọi người hối hả vào xem, rồi tâng bốc nhau lên tận mây xanh, rồi kết bạn thâm giao với các nhân vật truyện tranh, cho đó là thần tượng tuyệt vời của mình, thế là quên bẵng đi rằng ta đang ở đâu? Truyện tranh của ta hiện nay thế nào? Cần phải phát triển ra sao? Khách mời này khách mời nọ danh dự lắm, nhưng chỉ để tâng bốc Truyện tranh Nhật Bản chứ mấy ai nghĩ đến Truyện tranh Việt Nam cần phải làm gì? Báo chí thì đưa tin ầm ầm lễ hội này lễ hội nọ của anime manga Nhật Bản, họ có biết rằng họ đang quảng cáo không công cho người Nhật đấy không? Đọc những dòng này có lẽ người Nhật đang giận tôi lắm đây, mặc dù họ đang chúm chím môi cười vì những thành công sau các chiến dịch quảng cáo của họ cho văn hóa anime manga. Tuy nhiên xin đừng giận vì những lời nói thật lòng này, vì chính tôi cũng đang học hỏi các bạn Nhật đây, học để phát triển chứ không phải học để copy các anh nguyên xi đâu. (Còn tiếp)
Truyện tranh Thằng Bờm
Khi bắt đầu xây dựng bộ truyện tranh này, chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc sưu tầm nhân vật cho đúng với truyền thuyết dân gian của chúng ta về Thằng Bờm. Một số nhà nghiên cứu cho rằng nhân vật Bờm này là một thanh niên láu cá, hay trêu chọc kẻ khác và tham lam, nhưng không có một tài liệu nào nói rõ về điều này. Theo Nhà văn vừa là Nhà nghiên cứu Văn học Nguyễn Vỹ (đã qua đời) thì ông cho rằng nhân vật Bờm là một cậu bé chăn trâu dễ thương, đầu tóc có ba vá, mồ côi cha mẹ, tính tình chất phác tinh nghịch nhưng ham học hỏi, cũng không có tài liệu nào xác định bác Nguyễn Vỹ đúng hay sai. Chúng tôi đã sưu tầm rất nhiều trong kho sách Văn học Dân gian và trên Internet, nhưng chỉ có tồn tại duy nhất một bài ca dao mà chúng ta rất thường nghe:
Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu.
Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu
…
Ngoài ra, chỉ có thêm vài bài tiểu luận với ý kiến riêng của người viết nhận định về cái quạt mo quý giá như thế nào mà phú ông cứ đòi đổi lấy cho được, nhưng đó chỉ là nhận định riêng của người viết chứ không có cơ sở dựa trên văn học dân gian Việt Nam.
Điều này có thể gây khó khăn cho chúng tôi trong việc viết kịch bản, nhưng cũng có thể là một sự thuận tiện cho chúng tôi để chúng tôi có thể tự xây dựng hư cấu câu chuyện thành kịch bản mà không sợ bị sai sót, có thể thoải mái sáng tác chuyện Thằng Bờm hư cấu theo ý mình làm sao để thu hút người đọc là được. Chúng tôi nghiêng về ý kiến của Nhà nghiên cứu Nguyễn Vỹ và dựa theo đó để xây dựng Bộ truyện tranh Thằng Bờm này. Dựa trên khung cảnh lịch sử của thời gian xa xưa ấy, chúng tôi hình thành cơ cấu cốt truyện gồm những nhân vật sau:
1- Bờm: khoảng 11, 12 tuổi, mồ côi cha mẹ, ở với chú thím, chăn trâu cắt cỏ.
2- Chú của Bờm: hiền lành, sợ vợ.
3- Thím của Bờm: keo kiệt nhưng cũng rất thương cháu của chồng.
4- Bé Mít: Con gái của chú thím, thua Bờm 2 tuổi.
5- Mụ Lách: Mẹ của Ất, người dữ dằn, bán thịt lợn ngoài chợ.
6- Ất: con mụ Lách, bạn của Bờm, nghịch ngợm nhưng chân thật, hòa đồng.
7- Giáp: con trai Bá hộ Kiên, bạn của Ất, con nhà giàu, thâm độc và chơi xỏ.
8- Lý Kiên: còn gọi là Phú ông hay Bá hộ Kiên, làm Lý trưởng trong làng, rất giàu có.
9- Lý Toét: ốm nhom. Xưa làm lý trưởng, ăn hối lộ nên bị cách chức, nay làm dân đinh.
10- Xã Xệ: mập ú. Xưa làm giám quản quân binh, ăn trộm nên bị cách chức, nay làm dân đinh.
11- Tri Huyện Ngân: tham lam và xảo trá.
12- Bà Tri Huyện: chảnh chọe, ham tiền…
13- Cử Kính: Thầy đồ dạy học trò trong làng, xưa đậu Cử nhân, từ quan về làng.
14- Tú Tùng: Tú tài tên Tùng, cháu ông Cử Kính, nghèo nhưng giỏi mưu lược, thi ca.
15- Thị Loan: còn gọi là Loan cô nương, 16 tuổi, con Tri Huyện Ngân, người lẳng lơ và diêm dúa.
16- Bụt: hiền lành và thương người, lắm phép thần thông, cứu nhân độ thế.
Cùng một số nhân vật khác như binh lính, gia nhân, dân làng…
Từ những nhân vật này, chúng tôi đang xây dựng và viết kịch bản cùng lúc với vẽ bộ truyện tranh trên, dự kiến sẽ ra mắt đầu năm 2009 tới đây. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi hoan nghênh bất kỳ ai cùng viết kịch bản với chúng tôi, dựa trên sườn là các nhân vật mà chúng tôi nêu ở trên, mỗi tập 72 trang gồm có khoảng 250 phân cảnh nhỏ. Nội dung kịch bản nói về những câu chuyện vui đời thường có tính chất hài và sinh động của nhân vật Bờm và bè bạn thời ấy, khoảng thế kỷ thứ 18, 19 của nước ta. Kịch bản được NXB duyệt sẽ nhận nhuận bút 800.000 đ/kb.
Truyện tranh xấu lan tràn
Và thế là điều chúng ta lo âu nhất đã xảy ra… Mấy tuần nay nghe báo đài đưa tin, cái kiểu làm ăn chụp giật mất phương hướng của một số Nhà Xuất Bản đã dẫn đến hệ quả đáng buồn này: Truyện tranh sex, kích dục đã được các Nhà Xuất Bản (NXB) tiếp tay tung ra thị trường, nhuộm đen đầu óc non nớt của tuổi thơ một cách vừa tinh vi vừa cẩu thả. Tinh vi là vì tất cả các ấn phẩm độc hại kia đều là truyện tranh đen của Nhật Bản và Hồng Kông, những người quản lý biết rõ, nhưng vì chẳng làm gì, chỉ ký một cái rẹt là có tiền, tiền xuất bản phí nộp ngân sách nhà nước và tiền lót tay bỏ vào túi riêng dưới danh nghĩa là tiền biên tập. Thật nực cười! Biên tập gì ở đây nhỉ? Cứ lôi truyện tranh Nhật về photocopy, dịch lời rồi đem in chứ có hề vẽ vời gì thêm hay viết lách gì thêm đâu? Thế là có tiền và thế cũng là cái nọc độc văn hóa gớm ghiếc đã lan ra thâm nhập vào biết bao đầu óc của tuổi mới lớn. Chúng tôi nói tinh vi là thế, biết là sai, nhưng cũng cố chen bên này đẩy bên kia để cho kẻ xấu lấy tờ giấy phép đem đi in và họ có tiền bỏ túi, mà đâu phải một hai cuốn đâu chứ, hằng chục hằng chục đầu sách đen này chiếm đầy thị trường truyện tranh trong nước, trong lúc những họa sĩ truyện tranh thực thụ ngồi cắm cúi từng nét vẽ thì những người này không cần vẽ cũng có tiền, một thủ đoạn hết sức tinh vi là vậy. Cho dù những điều họ tung ra hết sức cẩu thả, từ giọng văn, hình vẽ cho đến cách thể hiện. Những kẻ này lại dùng ngay chính phông chữ HLComic và VNI-Comicbook của chúng tôi thiết kế nữa chứ, chẳng hề xin phép và cũng chẳng thèm trả tiền bản quyền làm gì, họ vẫn dùng cho kinh doanh và đáng buồn hơn là dùng cho nhưng cuốn sách đen như thế một cách vô tội vạ. Thật đáng buồn là vậy.
Những tưởng rằng từ ngày Việt Nam chúng ta quyết định thi hành Luật bản quyền theo công ước quốc tế, mỗi Nhà Xuất Bản trước khi ký duyệt giấy phép cho dù là truyện photo đi nữa thì cũng phải có giấy nhượng bản quyền của tác giả, thế nhưng nghe như đâu được đôi ba cuốn thì phải, sau đó thì đâu lại vào đấy, ào ạt photocopy và đem đi in có thèm đếm xỉa đến bản quyền làm chi đâu, thế mà NXB vẫn cứ ký giấy phép thế mới lạ chứ. Xin hỏi quý vị nhân danh cái gì mà đi duyệt cho phép những cuốn truyện độc hại như thế tung ra thị trường, đầu độc đầu óc tuổi thơ. Quý vị không nghĩ đến mai đây cái nền truyện tranh vốn đã rất èo uột của ta sẽ chết ngắc vì những họa sĩ chân chính làm sao vẽ cho kịp so với việc các đầu nậu thay nhau photo truyện nước ngoài? Quý vị có thể bỏ túi đôi chút bạc tiền nào đấy gọi là tiền biên tập, nhưng điều tai hại vẫn cứ treo lơ lửng trên đầu các em các cháu con em chúng ta. Cái tác hại ấy làm sao mà so sánh nổi. Chúng tôi đề nghị Bộ Văn Hóa Thông Tin và Cục Xuất Bản ngoài việc thu hồi các ấn phẩm độc hại nói trên, còn phải phạt thật nặng các nhà quản lý cố tình vi phạm để hưởng lợi. Có xử lý nghiêm thì may ra cái đại dịch kia mới lành lại đôi chút trong đầu óc trẻ thơ.
Cần phải sắc thuốc cho thật đắng thì mới dã tật được, còn phạt vạ khơi khơi cho có vị thì đâu cũng sẽ lại vào đấy. Thị trường sách báo bây giờ có lúc khó thì thật khó, nhưng cứ chuồi tiền vào thì khó cách mấy cũng thành dễ. Cần phải nói trắng ra thẳng tuột như thế chứ chẳng cần vòng vo làm chi, tuy rằng nói thật thì mất lòng đấy, nhưng làm kẻ câm trước một thị trường vừa béo bở hiếu động vừa đầy cạm bẫy đen tối như thế này thì có đành lòng câm miệng được không. Tôi là một họa sĩ truyện tranh, nói ra như thế này có thể nay mai mình bị trù bị ếm trong công việc, nhưng chẳng sao đâu. Bao giờ những NXB chân chính cũng vẫn dang rộng vòng tay với những kẻ biết nói thật như thế này. Tôi tin thế và chẳng ngại ngần chút nào khi viết những dòng này. Sự thật bao giờ cũng là sự thật và sự chân chính sẽ nở ra những bông hoa đẹp cho đời thôi. Còn ký duyệt cho xuất bản những mầm độc hại như thế thì trẻ con sau này nó sẽ nở ra những kiểu bông hoa tương tự như Sex Vàng Anh Thùy Linh trong tương lai là chuyện không xa nữa đâu. Gieo cái nào thì gặt cái ấy mà!
Một vài kinh nghiệm vẽ truyện tranh
