Thứ Hai, 22 tháng 12, 2008

Vì sao Truyện tranh Việt Nam vẫn trì trệ?

bia10jpg    Rất nhiều bạn trẻ cũng như các phóng viên thường đặt câu hỏi này với tôi khi đề cập đến tình hình xuất bản và phát hành Truyện tranh Việt Nam hiện nay, vì các bạn ấy cứ cho tôi là lão làng trong truyện tranh nên dễ tìm ra câu trả lời. Sự thực không là như vậy đâu. Ở Khu vực phía Bắc thì lâu nay im hơi lặng tiếng nên ngoại trừ bác họa sĩ Thy Ngọc ra, số họa sĩ lão làng sau này tôi không nắm rõ lắm, nhưng ở khu vực phía Nam quả thực là có rầm rộ hơn từ ngày đất nước ta đổi mới nên số họa sĩ có nhiều hơn. Theo tôi, nếu gọi là lão làng trong truyện tranh Việt Nam thì phải kể đến 3 người có ảnh hưởng nhất và mang dấu ấn đậm nhất với những phong cách riêng biệt, đó chính là các họa sĩ Nguyễn Trung Tín, Văn Minh và Đỗ Hoàng Tường, chứ tôi không dám là lão làng đâu. Có điều các họa sĩ ấy ngày nay không còn vẽ truyện tranh nữa nên các cháu thường hay đặt vấn đề này với tôi, vì tôi còn cầm bút và để như là có người đối ẩm trước tình hình trì trệ hiện nay của Truyện tranh Việt Nam mà thôi.
    Các bạn trẻ bây giờ muốn tìm lại truyện tranh của các họa sĩ tôi nói ở trên để học hỏi e rằng hơi khó vì ngày ấy chúng tôi xuất bản không có các điều kiện tối ưu như vi tính, in ấn tuyệt vời như hiện nay, do vậy mà chất lượng giấy in không bền, đến nay thì cũ nát cả, nhưng tôi cũng xin trình bày ra đôi chút phong cách vẽ của các họa sĩ lão làng trên, sau đó, chúng tôi sẽ cố gắng tìm tài liệu và bổ sung trong một ngày rất gần:
    Họa sĩ Nguyễn Trung Tín chuyên về lối vẽ thực bằng bút sắt, kỹ lưỡng và chi tiết thì không ai bằng, cách ông dựng hình phân cảnh cũng như đặc tả ánh sáng thuộc vào loại bậc thầy. Các cây bút trẻ ngày nay thường chuộng lối vẽ cách điệu mà chê lối vẽ thực quả là chưa hiểu gì về truyện tranh, nếu các bạn ấy có dịp xem truyện tranh của Nguyễn Trung Tín thì chắc chắn họ sẽ nghĩ khác ngay. Lối vẽ của Nguyễn Trung Tín chuyên về Cổ tích, trong và ngoài nước, về Lịch sử VN là thích hợp với ông nhất. Tiếc rằng hiện nay Nguyễn Trung Tín không vẽ truyện tranh nữa, lo tập trung cho việc giảng dạy mỹ thuật tại các trường đại học.
    Họa sĩ Văn Minh ngày nay chuyển sang việc xuất bản các văn hóa phẩm nghệ thuật chứ không còn vẽ truyện tranh nữa, nhưng lúc trước, lối vẽ của ông chuyên về cả hai, vừa vẽ thực vừa cách điệu, cách vẽ của ông bay bổng, vì ông thường dùng cọ chấm mực Tàu nên độ đậm mảnh của nét vẽ cũng như ánh sáng thật là tuyệt vời. Cách phân cảnh của ông trong truyện rất phóng khoáng, không lệ thuộc vào khung hình mà chỉ chú trọng vào tình huống cốt truyện, cách này khiến người xem thấy rất thích thú. Lối vẽ của ông vừa ảnh hưởng Truyện Trung Quốc vừa ảnh hưởng comic của Tây nên rất đa dạng và phong phú, có phong cách riêng, khác hẳn với anime manga hiện nay, ông vẽ đủ thể loại, cổ điển, phiêu lưu, giả tưởng, hoạt hình đều đẹp.
    Họa sĩ Đỗ Hoàng Tường so với chúng tôi thì tuổi đời trẻ hơn, nhưng theo tôi, ông cũng là một trong 3 lão làng của Truyện tranh Việt Nam hiện nay. Đặc điểm của Hoàng Tường là ông vẽ rất nhanh, nhưng rất chuẩn và rất chi tiết, từng nếp gấp của áo quần, từng chi tiết của trang phục, bụi cây, gốc đá bên đường, ông chỉ cần vung vài nét bút là diễn tả đầy đủ các chi tiết nhỏ nhặt ấy. Anh em chúng tôi một dạo cười như nắc nẻ khi thấy trong một trang truyện nọ, xin lỗi!?, ngay cả… hậu môn của một con ngựa chiến nhỏ xíu mà ông cũng không bỏ qua (truyện Mạnh Lệ Quân), tôi nói lên giai thoại nhỏ này để các bạn trẻ ngày nay biết được các phong cách vẽ của các bậc đàn anh đi trước mà học hỏi chứ không có ý gì khác. Lối vẽ của Hoàng Tường không chú trọng nhiều về ánh sáng, nhưng xem truyện của ông, người ta vẫn thấy sinh động vì cách dựng hình cũng như cách bố cục hậu cảnh của ông không chê vào đâu được. Cũng như Văn Minh, Hoàng Tường vẽ đủ mọi thể loại, nhưng mạnh nhất của ông là truyện lịch sử và hoạt hình. Tiếc rằng ngày nay chỉ thấy Hoàng Tường chuyên vẽ mỹ thuật, và những tác phẩm của ông rất ấn tượng, đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, có phải vì vậy mà ông quên Truyện tranh Việt Nam chăng? vì đã hơn 10 năm nay, chúng tôi không còn thấy truyện tranh của ông xuất bản nữa.
    Vì sao mà tôi lại kể ra những điều này làm gì? Đó là vì tôi muốn nói với các bạn trẻ rằng: nguồn nhân lực của chúng ta không thiếu. Với tài nghệ của các vị chuyên gia tôi nêu ở phần trên, cộng với lối vẽ anime manga của một số bạn trẻ hiện nay, thì quả thực chúng ta có đủ sức để làm Truyện tranh Việt Nam chứ! Nếu thế thì tại sao Truyện tranh Việt Nam ngày nay vẫn đang trì trệ như vậy? Vâng, câu hỏi này không phải dễ dàng mà trả lời ngay được. Tôi cũng bức xúc như các bạn lắm chứ, do vậy mà tôi xin nêu ra đây một vài nhận xét, tuy rằng đó chỉ là ý kiến của riêng tôi mà thôi.
    Chúng ta đã biết rồi, bóng đá Việt Nam cho dù đầu tư đến cỡ nào đi nữa, tốn hàng nghìn tỷ đồng đi nữa thì vẫn không sao bằng Braxin được. Đó là điều chắc chắn, không cần phải bàn cãi. Thế thì Truyện tranh Việt Nam cũng vậy. Không thể nào chúng ta đuổi kịp truyện tranh Nhật Bản đâu. Nói thế không có nghĩa là chúng ta vô vọng, tuy không bằng, nhưng chúng ta cũng phải có một đôi cái gì đó để gối đầu giường, chứ không phải bỏ mặc, chụp giật truyện tranh Nhật Bản để kiếm lời như hiện nay. Một tác hại không kém phần quan trọng là với lối làm ăn chụp giật của các Nhà Xuất bản trước đây, vô hình trung họ đã quảng cáo không công cho truyện tranh Nhật, làm tuổi trẻ quen với văn hóa manga anime của trong các truyện tranh ấy, sinh ra coi rẻ những giá trị tuy rằng còn rất nhỏ bé của Truyện tranh Việt Nam.
    Nguyên nhân thứ nhất đó là Nhật Bản đã trải qua hàng chục năm phát triển truyện tranh nên kinh nghiệm nhiều hơn ta, tất nhiên đội ngũ họa sĩ của họ cũng nhiều hơn ta rồi, qua mấy chục năm nên họ đã được đào tạo và rèn luyện kỹ càng trong lúc việc đào tạo họa sĩ truyện tranh của chúng ta chỉ là con số không, hầu hết đều là tự phát, ngay chính tôi đây cũng vậy. Thế thì làm sao chúng ta theo kịp ông khổng lồ truyện tranh Nhật Bản ấy được? Cho dù ta cố bắt nhưng ta tiến họ cũng biết tiến chứ, không thể nào kịp được, đó là một thực tại hiển nhiên không cần phải bàn cãi.
    Nguyên nhân thứ hai quan trọng hơn nhiều, đó là yếu tố thị trường tiêu dùng chúng ta còn kém họ xa, ta đang nằm ở các nước đang phát triển, thu nhập chúng ta còn đang thấp, trong lúc Nhật Bản đã là nước tiên tiến từ lâu, thu nhập của họ cao gấp gần ba mươi lần của ta, họ giàu hơn nên họ chi xài nhiều hơn ta, nhất là khoản văn hóa thì họ không tiếc, họ sẵn lòng bỏ tiền ra mua hết bộ truyện tranh này đến bộ truyện tranh khác, mà cuốn nào cuốn nấy dày cộm, khoảng trên 500 trang khổ lớn chứ ít đâu, trong đó có rất nhiều đề tài chung vào một tập, có khi chỉ đọc đôi ba truyện họ vẫn mua xem rồi quăng ở đâu đó. Thiếu nhi mua về xem đã đành, cha mẹ cũng mua về, do vậy mà thị trường phát hành có số lượng cao, giá thành in ấn sẽ rẻ đi rất nhiều và khoản nhuận bút trả cho họa sĩ cũng hậu hỉ không kém, họa sĩ có thu nhập cao và vững vàng, tất nhiên sẽ an tâm mà làm việc, nét vẽ sẽ đẹp hơn và cốt truyện hay hơn, truyện hay nên thị trường phát hành sẽ rộng hơn và cái lôgic ấy cứ xoay vần mãi.
    Còn chúng ta đang chập chững mới vào nghề, không chịu đào tạo mà thích chụp giựt để kiếm lời nên không chịu vẽ, không chịu sáng tác, chỉ biết copy nguyên xi của họ dịch ra cho mau để bán kiếm lời, do vậy nền truyện tranh của ta chết yểu là phải, thu nhập bình quân của nước ta không cao nên có dám bỏ tiền ra mua truyện tranh thường xuyên đâu, thị trường của ta tiêu thụ không nhiều nên số lượng in không cao, lợi nhuận thấp nên nhuận bút cho họa sĩ thấp, ai nấy đều chán và bỏ nghề vì theo nghề thì làm sao mà đủ sống? Thu nhập, thời gian không có đủ thì làm sao mong sáng tác ra được những cuốn truyện hay? Mà truyện không hay thì ít người mua, phát hành bị lỗ rồi chết yểu, lại sa vào cái vòng lôgic lẩn quẩn ngược với truyện Nhật Bản.
    Những yếu tố đó vây bọc người họa sĩ Truyện tranh Việt Nam thì lấy đâu cho ra được những tác phẩm hay bây giờ? Do vậy mà hết Nhà Xuất Bản này tới Công Ty Văn hóa nọ đồ sộ thế kia nhưng tổng kết lại thì được mấy đầu sách Truyện tranh Việt Nam? Đếm chưa hết mười đầu ngón tay, so với Nhật Bản thì chưa bằng họ ra 1 ngày!? Tuy nhiên, kể sự thật ra như thế để biết mà phấn đấu chứ chúng ta cũng đừng buồn, vì không phải chúng ta mà hằng loạt nước khác trong khu vực và trên thế giới cũng chịu sự thống trị của truyện tranh Nhật Bản như ta, trong khu vực thì ngoài HongKong, Hàn Quốc và Singapore ra là tương đối cầm cự được, còn Thái Lan, Malaysia, Indonesia… cũng đều như ta vậy, truyện tranh trong nước không phát triển nổi. Các quốc gia Âu Mỹ cũng thế, ngoại trừ Mỹ, Pháp, Đức, Ý, Bỉ, Tây Ban Nha có nền truyện tranh vững vàng, số còn lại cũng như ta mà thôi. Ngay cả nền truyện tranh ở Mỹ vững chắc là thế, ngày nay cũng đang rung rinh trước làn sóng anime manga của Nhật Bản tràn vào chứ đừng nói chi đến Việt Nam của chúng ta.
    Truyện tranh Nhật Bản phát triển như thế đã đành, thỉnh thoảng họ lại tung ra những chiêu quảng bá hình ảnh truyện tranh của họ trên khắp thế giới, nào là văn hóa manga, Câu lạc bộ Anime, Tiếng hát Otaku… v.v và v.v… mời gọi mọi người. Thấy lạ nên mọi người hối hả vào xem, rồi tâng bốc nhau lên tận mây xanh, rồi kết bạn thâm giao với các nhân vật truyện tranh, cho đó là thần tượng tuyệt vời của mình, thế là quên bẵng đi rằng ta đang ở đâu? Truyện tranh của ta hiện nay thế nào? Cần phải phát triển ra sao? Khách mời này khách mời nọ danh dự lắm, nhưng chỉ để tâng bốc Truyện tranh Nhật Bản chứ mấy ai nghĩ đến Truyện tranh Việt Nam cần phải làm gì? Báo chí thì đưa tin ầm ầm lễ hội này lễ hội nọ của anime manga Nhật Bản, họ có biết rằng họ đang quảng cáo không công cho người Nhật đấy không? Đọc những dòng này có lẽ người Nhật đang giận tôi lắm đây, mặc dù họ đang chúm chím môi cười vì những thành công sau các chiến dịch quảng cáo của họ cho văn hóa anime manga. Tuy nhiên xin đừng giận vì những lời nói thật lòng này, vì chính tôi cũng đang học hỏi các bạn Nhật đây, học để phát triển chứ không phải học để copy các anh nguyên xi đâu. (Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét